Header Ads Widget

Bài Học Về Tiên Tri Giê-rê-mi

Xuất thân: Giê-rê-mi là con trai thầy tế lễ Hinh-kia. Ông được kêu gọi làm tiên tri khi ông 20 tuổi (khoảng 627 T.C) cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ (586 T.C). Giê-rê-mi cho chúng ta một bức tranh rõ ràng về tình trạng thuộc linh thực sự của Giê-ru-sa-lem. Họ ngoan cố tiếp tục phạm tội và không chịu tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Họ thờ hình tượng và sống vô đạo đức. Đây là thời kỳ khủng hoảng thuộc linh.[1]

Trong thời gian thi hành chức vụ, Giê-rê-mi không được lòng tại Giê-ru-sa-lem và tại quê hương ông là A-na-tốt. Ông bị chính gia tộc và bà con ông phản bội (12:6), các thầy tế lễ quyết tâm giết ông (26:11). Lời tiên tri của ông bị vua phá hủy, sau phải viết lại. Ngay trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, ông bị bắt khi đang cố gắng rời đó để đến lãnh thổ Bên-gia-min và bị buộc tội bỏ trốn, ông bị tống giam. Tuy nhiên, ông không chịu im lặng. Những lời tiên tri của ông khiến các quan chức khó chịu, đến nỗi đã ném ông xuống hố. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem thất thủ, ông được trả tự do và được phép ở lại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, những người Y-sơ-ra-ên còn sót lại muốn trốn đến Ai-cập đã buộc ông phải đi với họ tới Tác-phê-nết (43:1-7). Tại đó, ông tiếp tục chức vụ của mình.[2]

Đối với các tiên tri trong thời Cựu Ước, có lẽ Giê-rê-mi là tiên tri gặp rất nhiều sự chống đối trong chức vụ. Vì ông đang thi hành chức vụ cho một dân vô tín, bội đạo, thờ hình tượng, không chịu tuân theo mạng lệnh Đức Chúa Trời. Lời tiên tri của ông không được dân chúng, vua quan, hay ngay cả các thầy tế lễ và những người bà con của ông đón nhận. Ông bị lên án vì nói tiên tri nghịch lại với lợi ích của quốc gia và dân tộc. Chỉ tưởng tượng tới thôi chúng ta cũng nhận thấy một sự chống đối mãnh liệt. Ngày nay chúng ta thường thấy nhiều nhân vật dùng chiêu bài lợi ích dân tộc để tạo sự uy tín và ảnh hưởng. Tuy nhiên, Giê-rê-mi lại đi ngược hoàn toàn với những điều đó. Đây có lẽ là chức vụ khó thực hiện nhất ngay cả cho thế giới chúng ta ngày nay. Lời Chúa đặt trong lòng ông và ông không chịu im lặng. Một thách thức lớn cho người Đức Chúa Trời khi nói ra lẽ thật và lên an tội lỗi. Nhưng đây là điều cần thiết để đưa dân sự Đức Chúa Trời đến với sự ăn năn và được thương xót.

Sứ điệp Giê-rê-mi: Giê-rê-mi đã nói tiên tri cho một dân tộc đã phản nghịch Đức Chúa Trời. Họ đã không trung thành với Ngài bằng cách thờ hình tượng và đáng bị trừng phạt. Họ sẽ không thoát được sự hủy diệt mà Ngài mang đến, ngay cả khi họ kêu cầu Ngài, Ngài cũng không nghe họ (11:11).[3]

Sứ điệp của Giê-rê-mi giành cho dân sự là sứ điệp quyết đoán và mạnh mẽ. Có lẽ Đức Chúa Trời đã cho dân Y-sơ-ra-ên nhiều cơ hội để họ ăn năn, và dùng các tiên tri để kêu gọi quay trở lại để được thương xót. Tuy nhiên, họ vẫn giữ sự đời sống phản nghịch lại Chúa bằng việc thờ hình tượng, với lối sống vô đạo đức. Chính vì thế, sự đoán phạt của Chúa trên dân Y-sơ-ra-ên là chắc chắn. Ngài sẽ không hoán cải về tai họa sẽ giáng trên họ. Cũng như ngày nay, Chúa luôn cho Hội Thánh cơ hội để ăn năn về các tội lỗi. Tuy nhiên, nếu họ không ăn năn, Chúa cũng sẽ đoán phạt tội lỗi trên Hội Thánh. Vì vậy, là người được kêu gọi hầu việc Chúa, chúng ta không chỉ ru ngủ Hội Thánh bằng những lời bùi tai, nhưng chúng ta cũng cần cảnh báo về các tội lỗi để Hội Thánh ăn năn và được tha thứ.

Sự kêu gọi Giê-rê-mi: Sự kêu gọi giành cho Giê-rê-mi là Chúa phán với ông. Đức Chúa trời đã biết và lựa chọn ông trước khi hình thành trong bụng mẹ. Ngài đã chỉ định chức vụ cho ông trước khi ông được sinh ra (1:4-5). Ông nói điều Chúa truyền cho nói, Chúa ở với ông, tay Chúa chạm tới miệng ông, Ngài đặt Lời Ngài trong miệng ông  (1:7-9). Giê-rê-mi tin chắc rằng sự phán xét mà ông rao báo trên Giê-ru-sa-lem chắc chắn sẽ xảy ra bất chấp sự chống đối mà ông phải đối diện trong chức vụ. Dưới lời hứa trấn an của Chúa, tất cả những sự phản đối của Giê-rê-mi đều bị gạt sang một bên.

Một điều chúng ta có thể tin cậy đó là: “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 1:4). Tôi không nhằm nói về thuyết tiền định. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn rằng, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta vào chức vụ trước khi chúng ta xuất hiện trên thế giới này. Cũng như tiên tri Giê-rê-mi, Chúa lựa chọn và kêu gọi ông trước khi ông hoài thai trong bụng mẹ. Ngài định ông vào chức vụ trước khi ông được sinh ra. Vì vậy, việc chúng ta bước vào chức vụ không phải là việc ngẫu nhiên, mà nó là ý định đời đời Đức Chúa Trời đã giành cho chúng ta.

Vì vậy, chúng ta nên mạnh dạn bước vào chức vụ hầu việc Đức Chúa Trời. Chính Chúa sẽ đặt những lời phải nói trong miệng chúng ta. Ngài sẽ ở cùng và bảo vệ chúng ta để chúng ta có thể hoành thành tốt nhất chức vụ hầu việc Chúa của mình.



[1] P44

[2] P45

[3] P46


Nguyễn Hưng -  Bài viết có dựa trên tài liệu "Những Chủ Đề Từ Các Đại Tiên Tri" - David Betts

Đăng nhận xét

0 Nhận xét