Header Ads Widget

Bài Học Về Tiên Tri Ê-sai

Xuất thân: Ê-sai tên của ông có nghĩa “sự cứu rỗi của Chúa”. Ông xuất thân từ hoàng tộc Giu-đa, có thể là em họ của vua Ô-xia. Ông sống tại Giê-ru-sa-lem, đã kết hôn và có 2 con trai (7:3; 8:3). Chức vụ của ông kéo dài khoảng 40 năm (740-701 T.C); tương ứng với thời kỳ vua Ô-xia, Giô-tham (miền năm) và A-hap (vua miền bắc), Ê-xê-chia, Ma-na-se. Theo truyền thống Ê-sai đã bị cưa làm đôi bởi vị vua độc ác là Ma-na-se. Thời kỳ Ê-sai thi hành chức vụ là thời kỳ sa sút thuộc linh.[1]

Sống trong thời kỳ vua Ô-xia, Giô-tham, Ê-xê-chia là những vị vua tương đối kính sợ Chúa nên quốc gia Giu-đa được Chúa ban cho sự thịnh vượng. Với xuất thân hoàng tộc, có lẽ tiên tri Ê-sai đã có một cuộc sống tương đối sung túc. Nhưng khi Chúa kêu gọi, ông sẵn lòng từ bỏ mọi đặc quyền để trở thành tiên tri cho Chúa. Chúa cũng kêu gọi nhiều người trong chúng ta với những vị trí khác nhau trong xã hội. Chúng ta có sẵn lòng để theo Chúa? Tiên tri Ê-sai là tấm gương tận hiến cho chúng ta trong chức vụ. 

Theo truyền thống, tiên tri Ê-sai bị cưa làm đôi khi thi hành chức vụ dưới thời kỳ cai trị Ma-na-se, một vua gian ác. Cái chết của ông có lẽ xuất phát từ việc lên án những tội lỗi mà Ma-na-se đã gây ra cho Giu-đa. Cũng như tiên tri Ê-sai, là người phục vụ Chúa, rất dễ để chúng ta nói lời thuận tai và sẽ khó khăn khi lên án những tội lỗi trong Hội Thánh, vì có thể gây mất lòng, mang tới sự chống đối. Tiên tri Ê-sai đã để lại chúng ta tấm gương về sự công chính khi không ngại lên án tội lỗi Ma-na-se, và điều đó cũng đã gây nguy hiểm đến tính mạng của ông. Với bản tính thánh khiết, Chúa kêu gọi chúng ta là người phục vụ, chúng ta không chỉ có trách nhiệm khuyên lơn, dạy dỗ các thuộc viên trong Hội Thánh mà ngay cả lên án và không chấp nhận tội lỗi trong Hội Thánh Chúa. 

Sứ điệp của tiên tri Ê-sai: Một phần chức vụ của Ê-sai là lên tiếng chống lại những ảnh hưởng tội lỗi của A-hap trên Giu-đa. Sứ điệp nhấn mạnh Đức Chúa Trời là Đâng thánh khiết, ghét tội lỗi, nhưng cũng là Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân.[2] Đứng trong chức vụ hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta có trách nhiệm vâng Lời Chúa để chống lại những ảnh hưởng của tội lỗi. Chúng ta cần nhận thức Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, Ngài ghét tội lỗi cho dù Ngài yêu tội nhân. Như Kinh Thánh từng bày tỏ: “Đức Giê-hô-va vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.” (Dân số ký 14:18). Vì vậy, Hội Thánh và người hầu việc Chúa được kêu gọi phải có đời sống thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời. Mọi hậu quả xảy tới cho Hội Thánh đều bắt nguồn từ việc không vâng Lời và có tội lỗi trong Hội Thánh.

Sự kêu gọi Ê-sai: Thời kỳ Ê-sai được kêu gọi vào chức vụ khi quốc gia miền nam Giu-đa nổi tiếng với thành công và thịnh vượng, nhưng các lãnh đạo của họ đã thật bại khi đang ở đỉnh cao quyền lực. Đây là thời điểm Giu-đa trong tình trạng lịch sử thất vọng nhất. Ê-sai đã công bố sự phán xét tội lỗi của dân chúng và ra báo về việc người Ba-by-lôn sắp sang bắt họ làm phu tù. Sự kêu gọi của Ê-sai đến dưới hình thức một khải tượng. Ê-sai đã nhận ra nhu cầu thuộc linh của mình. Ông đã kêu nên rằng: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân! (6:5). Phương diện thứ hai trong sự kêu gọi của Chúa đối với Ê-sai là sự tẩy sạch. Phương diện thứ ba là sự ủy thác.[3]

Dưới sự kêu gọi và sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời, chắc hẳn hết thảy người hầu việc Chúa đều cảm nhận về sự mặc cảm tội lỗi. Nhưng dưới sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng thanh tẩy và giúp đỡ chúng ta trở nên những công cụ xứng đáng cho chức vụ hầu việc Ngài. Chúng ta được ban cho các ân tứ với sự ủy thác để hoàn thành các trách nhiệm phục vụ Chúa khi còn trên đất này. Chúng ta cũng cần nhận thức, giá trị cứu chuộc của Chúa Jesus trên Thập Tự giá không chỉ mang đến sự cứu rỗi linh hồn, nhưng còn mang tới giá trị xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Sự xưng công chính là món quà ban cho nhưng không cho mọi Cơ Đốc nhân. Vì vậy, chúng ta đừng để bị đánh lừa bởi những mặc cảm tội lỗi và sự không xứng đáng khi hầu việc Chúa. Chúng ta có địa vị thánh, được xưng là công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Như Rô-ma 8:1 nhấn mạnh: “Cho nên hiện nay không còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ”.



Nguyễn Hưng -  Bài viết có dựa trên tài liệu "Những Chủ Đề Từ Các Đại Tiên Tri" - David Betts

Đăng nhận xét

0 Nhận xét