Header Ads Widget

Sự Vô Ngộ Của Kinh Thánh

Trải qua hàng thế kỷ, người ta luôn bàn luận về “sự vô ngộ của Kinh Thánh”. Phần lớn Cơ Đốc nhân đều cho rằng Kinh Thánh là vô ngộ. Nhưng có rất nhiều quan điểm khác nhau nhằm đã đưa ra lý lẽ chứng minh rằng Kinh Thánh là không vô ngộ. Trong khi đó, cũng có nhiều quan điểm lại nhằm chứng minh rằng Kinh Thánh là Vô Ngộ. Không thể nào nói một điều là “vô ngộ” hoặc “không vô ngộ” mà lại không có bằng chứng thể hiện cho điều đó. Để chứng minh cho một điều gì đó là đúng, chúng ta cần phải có những bằng chứng hợp lẽ để chứng minh. Vậy thì, Kinh Thánh có thật là vô ngộ, hay chỉ là sự ngộ nhận của niềm tin. Bằng chứng nào cho thấy Kinh Thánh thật sự vô ngộ? Việc chúng ta tin và đưa ra những bằng chứng, chứng cứ cụ thể nhằm chứng minh cho sự vô ngộ của Kinh Thánh sẽ thêm cho niềm tin của chúng ta trở nên vững vàng hơn.

Sự Vô Ngộ Của Kinh Thánh
Sự Vô Ngộ Của Kinh Thánh


I. Tầm Quan Trọng “Sự Vô Ngộ Kinh Thánh”

1. Ý Nghĩa "Sự Vô Ngộ".
Suốt chiều dài lịch sử người ta vẫn cho rằng Kinh Thánh là được linh cảm bởi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Lời trong Kinh Thánh không hề có sự sai lầm [vô ngộ (infallible)]. Quan điểm này thường đươc thể hiển bởi những người Tin Lành truyền thống.[1] Giáo lý này dạy rằng những sự dạy dỗ của Kinh Thánh là hoàn toàn đúng. Ủng hộ cho quan điểm này, Erickson J. Millard đã trình bày rằng, nếu Đức Chúa Trời đã ban sự khải thị về chính Ngài, và đã soi dẫn để các tôi tớ Ngài ghi lại sự khải thị đó, thì chúng ta muốn đảm bảo chắc rằng Kinh Thánh thật sự là nguồn đáng tin cậy của sự khải thị đó. Điều này có nghĩa, nếu Đức Chúa Trời là Đấng soi dẫn và khải thị để viết Kinh Thánh, thì Kinh Thánh không thể sai lầm được.[2]
Kevin van Hoozer thì trình bày: “tính vô ngộ ngụ ý rằng trong bất kỳ hình thức trình bày nào, Kinh Thánh đều diễn tả mệnh lệnh của Đức Chúa Trời hoặc câu hỏi hoặc bất kỳ lời nói-hành động nào có liên quan cách thích đáng. Đối với lời nói-hành động này thì tính vô ngộ mang hình thái không thể sai lạc.[3] Một lần nữa Kavin va Hoozer đã tái khẳng định tính không sai lạc của Kinh Thánh. Ông nhấn mạnh rằng, cho dù Kinh Thánh được trình bày dưới bất cứ hình thức nào, thì Kinh Thánh vẫn là Lời Đức Chúa Trời và diễn tả mệnh lệnh của Ngài. Điều này hàm ý, Kinh Thánh luôn tuyệt đối chính xác dưới sự quan phòng của Đức Chúa Trời trên từng câu chữ và lời nói.
Theo Hiệp Hội Thần Học Tin Lành thì cho rằng: “Chỉ một mình Kinh Thánh, và toàn thể Kinh Thánh, là lời thành văn của Đức Chúa Trời, và do đó nguyên bản Kinh Thánh (bản viết đầu tiên) là không sai lạc.”[4] Theo quan điểm này đưa ra thì chỉ bản Kinh Thánh gốc mới là bản không sai lạc, còn những bản Kinh Thánh hiện nay mà chúng ta có, có lẽ do một số lý do nào đó vẫn có những sai lạc.
Kinh Thánh bày tỏ về sự vô ngộ,  “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình (II Ti-mô-thê 3:16). Nguyên bổn thì nói rằng: “Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào”. Với sự "hà hơi" của Đức Chúa Trời, nhằm xác chứng rằng những lời trong Kinh Thánh nói hoặc viết hoàn toàn chính xác và "vô ngộ". Nhưng có một điểm trở ngại ở đây, Kinh Thánh không hề đề cập đến là bản Kinh Thánh gốc nguyên thủy hay là các bản Kinh Thánh hiện này của chúng ta mới được Đức Chúa Trời "hà hơi"?

2. Tầm quan trọng của "sự vô ngộ" của Kinh Thánh.
a. Kinh Thánh thật là Lời Đức Chúa Trời. Đối với Cơ Đốc nhân là những người có niềm tin vào Đức Chúa Trời, thì việc nhận sứ điệp chính xác từ Đức Chúa Trời là một điều hết sức quan trọng. Vì nó ảnh hưởng quan trọng trên hệ thống niềm tin của chúng ta. II Phi-e-rơ 1:20-21 “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” Điều này cho thấy, Kinh Thánh không bắt nguồn từ con người, nhưng từ chính Đức Chúa Trời. Con người là công cụ để cho Lời Đức Chúa Trời được phán truyền. Vì vậy, nếu Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời thì Kinh Thánh không sai lạc. Nếu Kinh Thánh có sự sai lạc, thì Kinh Thánh không thật sự là Lời Đức Chúa Trời, và không thể làm nền tảng đức tin cho Cơ Đốc nhân. Nói như Millard J. Erickson: “Chúng ta có thể kết luận rằng, các trước giả Kinh Thánh đều đồng loạt làm chứng rằng Kinh Thánh xuất phát từ Đức Chúa Trời và là sứ điệp của Ngài cho nhân loại.”[5] Vì vậy, theo sự trình bày của Erickson thì niềm tin Cơ Đốc của chúng ta là niềm tin rất vững chắc dựa trên nền tảng không sai lạc của Kinh Thánh.
b. Tầm quan trọng về Thần học. Về mặt thần học, hệ thống thần học của Cơ Đốc giáo của chúng ta hoàn toàn dựa trên chân lý Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh sai lạc hoặc không vô ngộ, coi như hệ thống thần học Cơ Đốc giáo từ trước tơi nay đều sụp đổ, và không có giá trị.[6] Vì vậy, nếu xét trên một khía cạnh nào đấy, thì quan điểm của chúng ta về sự soi dẫn buộc phải kèm theo tính không sai lạc của Kinh Thánh. Tính không sai lạc của Kinh Thánh như là một hệ luận tất yếu của giáo lý soi dẫn hoàn toàn. Vậy, nếu chứng minh được Kinh Thánh không hoàn tòa đúng, thì quan điểm của chúng ta về sự soi dẫn sẽ gặp nguy cơ không đứng vững. Hệ thống thần học Cơ Đốc giáo coi như là sụp đổ hoàn toàn.
c. Tầm quan trong về lịch sử. Nhìn xuyên suốt bề dài lịch sử, Hội Thánh đã có niềm tin chung vào tính đáng tin cậy hoàn toàn của Kinh Thánh. Augustine viết từng viết: “Tôi đã học tập để dành sự trân trọng và quý mến này cho duy một mình bộ sách Kinh Thánh kinh điển mà thôi: duy có những sách đó thì tôi mới tin vững chắc nhất rằng các tác giả hoàn toàn không có sai lầm. Và nếu tôi bối rối bởi điều gì đó trong các sách này vì thấy có vẻ như trái với lẽ thật, thì tôi không ngần ngại cho rằng hoặc bản sao có lỗi, hoặc dịch giả đã không nắm được ý nghĩa của những điều được nói, hoặc bản thân tôi chưa thể hiểu nổi.[7] Nói như Augustine thì Kinh Thánh không hề có sự sai lạc. Nếu có bất cứ sự mâu thuẫn nào trong Kinh Thánh chỉ là do lỗi trong việc sao chép, hoặc dịch chưa chính xác mà thôi, hoặc giả là do sự giới hạn hiểu biết của con người với sự mạc khải vô hạn của Đức Chúa Trời. Đây là quan điểm có bề dài lịch sử lâu đời cho niềm tin Cơ Đốc vào tính không sai lạc của Kinh Thánh.
Tiếp theo Augustine, là Martin Luther nhà cải chánh tin lành, từng mang đến sự phục hưng lớn và sự trở lại với Lời Đức Chúa Trời trong thế kỷ 16. Ông từng nói: “Kinh Thánh không thể sai lầm…Kinh Thánh không thể sai…Chắc chắn Kinh Thánh không thể tự mâu thuẫn, Kinh Thánh chỉ có vẻ như vậy đối với những kẻ giả hình điên rồ và ngoan cố mà thôi.[8] Theo như Martin Luther, thì Kinh Thánh không là vô ngộ. Nếu có sự sai lầm gì đó trong Kinh Thánh đi chăng nữa, chẳng qua cũng do sự ngoan cố của những kẻ không chịu tin chân lý Kinh Thánh tìm cách bới móc mà thôi. Nói theo như cách của Martin Luther, chúng ta cũng có thể hiểu bối cảnh lúc bấy giờ, khi mà Kinh Thánh không được coi trọng, bị gạt sang một bên, thay vào đó là lời dạy dỗ của giáo hội và Đức giáo hoàng.
Từ những quan điểm trên, chúng ta nhận thấy rằng, quan điểm xác nhận tính vô ngộ của Kinh Thánh đã có một bề dài lịch sử, và là quan điểm cho thời kỳ đầu tiên của Hội Thánh. Đây cũng là quan điểm mang người ta trở lại với Đức Chúa Trời và xuất hiện những cuộc phục hưng lớn trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không tin vào sự vô ngộ của Kinh Thánh, thì nó cũng sẽ dẫn chúng ta đến rất nhiều hệ lụy về niềm tin khác. Như Richard Lovelace từng nói, “Lịch sử là phòng thí nghiệm để thần học kiểm chứng các ý tưởng của mình, nên chúng ta phải kết luận rằng, việc không tin vào tính đáng tin cậy hoàn toàn của Kinh Thánh là một bước nguy hiểm, không bởi chỉ tác động của nó đến giáo lý này, mà thậm chí còn dẫn đến những điều sẽ xảy ra cho các giáo lý khác.”[9]
d. Tầm quan trọng về nhận thức luận. Nếu Kinh Thánh là sai lầm, thì tất cả những dẫn chứng của chúng ta dựa trên nền tảng Kinh Thánh coi như là vô nghĩa. Millard J. Erickson từng trình bày: “Cơ sở để chúng ta giữ vững lẽ thật của bất kỳ một định đề thần học nào đó là việc Kinh Thánh dạy về điều đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta phải kết luận rằng những định đề nào đó (về lịch sử hoặc khoa học) do Kinh Thánh dạy là không đúng, thì các hàm ý này có ảnh hưởng rất lớn. Lúc đó chúng ta không thể tiếp tục giữ vững những định đề khác chì vì căn cứ vào nền tảng cho rằng Kinh Thánh đã dạy về chúng.”[10]

II. Quan Điểm Hoài Nghi Về “Sự Vô Ngộ Kinh Thánh”

1. Thuyết sự khải thị phù hợp (accommodated revelation). Quan điểm này cho rằng, Kinh Thánh được bày tỏ qua phương diện con người, nên cũng mang lấy những khiếm khuyết của bản chất con người. Điều này không những đúng với vấn đề lịch sử và khoa học mà còn đúng với vấn đề tôn giáo và thần học nữa. Kinh Thánh chứa những sự hòa trộn những yếu tố được khải thị lẫn những yếu tố không được khải thị.[11] Quan điểm có yếu tố kết hợp giữa Đức Chúa Trời và con người trong việc khải thị viết nên Kinh Thánh. Yếu tố Đức Chúa Trời thì dường như Kinh Thánh không có sự sai lạc, nhưng yếu tố con người thì phải có sự sai lạc. Vì vậy, Kinh Thánh không thể hoàn toàn vô ngộ được. Nói như quan điểm này, thì dường như Đức Chúa Trời không có khả năng để khiến cho con người có thể viết đúng như những gì Ngài khải thị. Nói cách khác Đức Chúa Trời không toàn năng trong việc Ngài mạc thị để viết Lời Ngài. Quan điểm này dường như có sự tương đồng với thuyết soi sáng khi cho rằng: “Có sự tác động của Đức Thánh Linh trên các trước giả Kinh Thánh, nhưng  bao gồm chỉ có việc nâng cao năng lực thông thường của họ mà thôi. Không có sự chuyển tải lẽ thật cách đặc biệt, cũng không có sự dẫn dắt trong những gì được viết ra, nhưng chỉ có sự nhạy bén và nhận thức được gia tăng thêm lên đối với những vấn đề thuộc linh.[12] Nói như quan điểm này, sự nâng cao năng lực của Đức Thánh Linh trên trước giả Kinh Thánh cũng không thể nào khiến cho họ viết Kinh Thánh một cách chính xác mà không sai lầm được. Hai quan điểm này, dường như đang từ chối đi đặc tính toàn năng của Đức Chúa Trời.

2. Quan điểm sự khải thị là phi định đề. Kinh Thánh không phải là sự khải thị. Kinh Thánh có những sai sót, những sai sót này không phải là Lời Đức Chúa Trời; chúng chỉ là lời của Ma-thi-ơ, của Ê-sai, hoặc của Phao-lô. Sự có mặt của những sai sót hoàn toàn không gây trở ngại gì cho tính hữu dụng của chức năng Kinh Thánh.[13]Quan điểm này dường như trình bày cho chúng ta một khái niệm, Kinh Thánh vẫn là Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh vẫn có tính hữu dụng trong chức năng của Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh vẫn có sự sai lầm, những sai lầm này đến từ các trước giả Kinh Thánh. Quan điểm này có nghịch lý khi cho rằng, Kinh Thánh không phải là sự khải thị. Nếu Kinh Thánh không phải là sự khải thị thì làm sao Kinh Thánh vẫn là Lời Đức Chúa Trời và làm sao Kinh Thánh có tính hữu dụng trong chức năng của Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh có sự sai lầm, Kinh Thánh sẽ mất đinh tính hữu dụng khi là nền tảng cho niềm tin Cơ Đốc, và chuyển tải Lời Đức Chúa Trời cho con người.

3. Quan điểm trực giác thuyết: Quan điểm này cho rằng, dân Hê-bơ-rơ có tài năng đặc biệt về tôn giáo, cũng như có một số nhóm người dường như có năng khiếu đặc biệt về toán học hoặc ngôn ngữ. Dựa trên cơ sở này, sự soi dẫn cho các trước giả Kinh Thánh về cơ bản không khác gì với sự cảm hứng của những nhà đại tư tưởng khác về tôn giáo và triết học, như là Plato, Đức Phật, và những nhà tư tưởng khác. Vì thế, Kinh Thánh là một đại văn phẩm tôn giáo phản ánh những từng trải thuộc linh của người Do Thái.[14] Khác với những quan điểm trên, quan điểm này cho rằng Kinh Thánh như là sự phản ánh từng trải thuộc linh và là đại văn phẩm tôn giáo. Nếu xét theo một khía cạnh nào đó, nếu nói Kinh Thánh là một đại văn phẩm thì Kinh Thánh cũng không tránh được khỏi sự sai lầm. Vì vậy, theo quan điểm này Kinh Thánh không thể nào là một tác phẩm vô ngộ.

4. Quan điểm cho rằng tính không sai lạc là một vấn đề không có liên quan. Quan điểm này cho rằng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, toàn bộ vấn đề tính không sai lạc được xem là sai lầm hoặc gây xao lãng.  Thứ nhất, từ ngữ “không sai lạc” là một từ ngữ tiêu cực. Tốt hơn nên sử dụng từ ngữ tích cực để mô tả Kinh Thánh. Hơn nữa, tính không sai lạc không phải là khái niệm của Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, việc sai lầm là một vấn đề thuộc linh hoặc đạo đức chứ không phải vấn đề thuộc trí tuệ. Tính không sai lạc làm chúng ta xao lãng những vấn đề không thích đáng. Nó cũng cản trở việc nghiên cứu Kinh Thánh. Nó đưa ra những nghi vấn mà những trước giả Kinh Thánh không thắc mắc, lại còn đòi hỏi những câu trả lời mang tính chính xác. Nó gây ra vấn đề tranh cãi lớn về những gì đáng ra chỉ là một vấn đề nhỏ mà thôi.[15] Quan điểm này đúng khi cho rằng, việc chúng ta quá tập trung vào việc tranh luận tính vô ngộ của Kinh Thánh sẽ gây cho chúng ta xao lãng, và tranh cãi không cần thiết. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng cần phải có hệ thống vững chắc cho niềm tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh để có nền tảng vững chắc trong việc kê cứu Kinh Thánh, giảng dạy và lấy Kinh Thánh là nền tảng cho niềm tin Cơ Đốc.

III. Bằng Chứng Cho Thấy Kinh Thánh Vô Ngộ
Kinh Thánh là cuốn sách có sự tranh cãi nhiều nhất về tính vô ngộ của nó. Ngoài ứng dụng của niềm tin, chúng ta cần phải có những bằng chứng xác đáng về tính vô ngộ của Kinh Thánh. Điều này không chỉ có nghĩa quan trọng đối với niềm tin Cơ Đốc chúng ta mà còn quan trọng đối với những tác động chống đối từ bên ngoài.

1. Bằng chứng từ khảo cổ và các cuộn biển chết.
a. Bằng chứng tù khảo cổ học (archeology). Đây là “khoa nghiên cứu về các việc đời xưa.” Khoa này chỉ giới hạn việc nghiên cứu bằng cách đào bới những thành phố, những mồ mả, hoặc khu di tích cũ. Qua các khám phá của khảo cổ học đã phần nào đó xác nhận và soi sáng Kinh Thánh và trong nhiều trường hợp, và đã trả lời cách hữu hiệu các chỉ trích của những nhà phê bình Kinh Thánh. Các nhà khảo cổ bây giờ có thể biết cả đến tên của các vị vua ở Ba-by-lôn, Assyria và Ai Cập, và các vua này đã được Kinh Thánh nói đến. Khảo cổ học đã xác chứng được cuộc chiến tranh giữa Shishak với Rô-bô-am (IVua 1V 14:25-26) đế nghiệp của vua Ôm-ri và quyền lực của vua A-háp (16:25) cuộc nổi dậy của Mesha ở Mô-áp (IIVua 2V 3:5) sự sụp đổ của thành Sa-ma-ri (18:10) việc đào kinh của Ê-xê-chi-a (20:20) cuộc xâm lăng của Pha-ra-ôn-Nê-cô (23:29) sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và sự bắt đi lưu đày của vua Giê-hô-gia-kim (24:10-15).[16] Vì vậy, từ các khám phá của khảo cổ học đã đưa ra những bằng chứng xác thực cho Kinh Thánh. Vì thế Ông Meginley từng nói: "chưa hề tìm thấy một nét sai trật nào trong lời tường thuật của tác giả Phúc Âm về xứ sở mà trong đó Chúa Giê-xu đã sống và về những người mà Chúa Giê-xu đã gặp  -  một xứ sở  mà nhiều tín hữu đầu tiên chưa hề biết”[17].
b. Bằng Chứng Từ Các cuộn biển chết. Vào năm 1947, một cậu bé chăn chiên Á-rập ném một cục đá vào một hang gần Biển Chết và nghe âm thanh của một bình gốm bị bể. Các Cuộn Biển Chết được biết đến là được các kí lục của cộng đồng tu sĩ Qumran chôn giấu lâu đời về trước đã cung cấp những bằng chứng mới và giá trị về việc bảo tồn bản văn Hy-bá-lai trong thời cổ. Các bản kinh văn được tìm thấy trong các Cuộn Biển Chết thật giống hệt bản Kinh Thánh Hy-bá-lai của chúng ta ngày nay. Điều này chứng tỏ rằng những người sao chép Kinh Thánh Hy-bá-lai trải qua bao nhiêu năm kể từ thế kỷ thứ 2 T.C. đã làm việc hết sức cẩn thận. Như vậy đã xác định rằng bản văn Hy-bá-lai của Kinh Thánh mà chúng ta có hiện nay cũng đã được dùng bởi người Do Thái 200 năm trước khi Chúa chào đời. Nhờ sự khám phá các Cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls) năm 1947 đã đem đến một số tài liệu mới rất phong phú cho việc nghiên cứu bản văn Cựu Ước.[18] Vì vậy, các cuộn biển chết là bằng chứng cho sự bảo tồn Kinh Thánh trong suốt thời gian dài của dòng lịch sử nhân loại mà không có bất kỳ tác phẩm nào có thể sánh bằng. Sự bảo tồn Kinh Thánh không chỉ bảo tồn về mặt truyền tải ý nghĩa, nhưng nó còn bảo tồn cả câu chữ trong quá trìn sao chép. Nếu đây không phải là một cuốn sách thiên thượng, được hà hơi, thì không thể nào bảo tồn và lưu giữ lại được cho tới bây giờ.

2. Bằng chứng từ những chứng cứ lịch sử được ghi chép lại.
Những nghiên cứu và khám phá của khoa địa lý, lịch sử và khảo cổ đã chứng minh cho Kinh Thánh. Chẳng hạn sách Đa-ni-ên là sách bị công kích nhiều nhất. Lý luận của những người chỉ trích đã nêu lên rằng trong lịch sử đã không có một nhân vật nào tên là Bên-xát-xa và các sử gia cũng đồng ý cho rằng Na-bôni đớt là ông vua cuối cùng của Babilôn, mà Nâbô-ni-đớt lại không có mặt ở thành Ba-bi-lôn khi thành này bị chiếm. Như vậy Bên-xát-xa phải là một nhân vật tưởng tượng, và cả câu chuyện cũng hoang đường, không có sự thật lịch sử. Lý luận đó xem ra mạnh và không thể chối cãi. Nhưng ông H.Rawlinson đã tìm thấy tại Muglieir và mấy nơi khác trong xứ Canh-đê (Chaldee) những cuốn sách bằng đất sét trên đó ghi rằng Bên-xát-xa (tức Belsaruzur) được Nabonidus phong chức Đông Cung Thái Tử. Như vậy dĩ nhiên Bên-xát-xa được cai trị như nhiếp chính tại Ba-by-lôn trong thời kỳ vua cha đi vắng, vì thế mới có chuyện ông đặt Đa-ni-ên lên chức thứ ba trong nước (Da  5:16) còn ông thì thứ hai.[19] Đây là bằng chứng, chứng minh cho những điều Kinh Thánh nói đến là đúng, chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Tôi thật đồng cảm với câu nói của Shields khi ông nói rằng: ”Kinh Thánh tuy không mô tả khoa học, nhưng không phản khoa học, cho nên Kinh Thánh đúng cho mọi người thời nay, cũng như đã đúng cho người thời xưa và sẽ còn đúng cho các thế hệ trong tương lai nữa”.[20]

3. Sự ứng nghiệm của Kinh Thánh trong dòng lịch sử nhân loại.
Lời của Đức Chúa Trời chứa đựng hàng trăm lời tiên tri. Nhiều lời tiên tri trong số này đã được ứng nghiệm - chẳng hạn như sự tản lạc của người Do Thái và sự truyền bá Phúc Âm khắp nơi trên thế giới. Những lời tiên tri khác chẳng hạn như sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giê-xu Christ sẽ được ứng nghiệm vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Những lời tiên tri này nhằm để minh chứng rằng Đức Chúa Trời thật đã phán bảo. Khi có ai nói với bạn: Nếu anh bảo Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời thì anh giải thích làm sao các nan đề trong Kinh Thánh? thì bạn hãy hỏi lại ngay rằng: Nếu anh bảo loài người viết ra Kinh Thánh thì anh giải thích làm sao sự ứng nghiệm trọn vẹn tất cả các lời tiên tri về Đấng Cơ Đốc?[21] Thật vậy, sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh là bằng chứng hùng hồn rằng, Kinh Thánh thật là Lời Đức Chúa Trời.
Có những lời tiên tri đã được tiên đoán từ lâu như lời tiên tri đoán về Đại Đế Si-ru cho tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem trong Es 44:26-28 là một thí dụ. Những lời tiên tri thường rất rõ ràng chính xác một cách kỳ lạ.[22] Lời tiên tri, Rê-be-ca sẽ sanh đôi (Sa 25:23), Ap-ra-ham đã được bảo trước rằng con cháu ông sẽ bị làm nô lệ ở ngoại quốc (15:13); Giê-rô-bô-am đã được bảo trước rằng một hậu tự của Đa-vít, tên Giô-si-a, đã làm ô uế bàn thờ của ông ta (IVua 13:2), Ê-sai nói tiên tri 200 năm trước khi Sy-ru phóng thích người Do Thái (Es 44:26). Đa-ni-ên nói tiên tri trước về sự xuất hiện của Alexander Đại Đế và sự phân chia Đế Quốc của ông ta ra cho bốn người kế nghiệp mà không phải là con cháu của ông ta (Da 11:2-4). Đa-ni-ên nói trước về các cuộc chiến tranh của các vị vua sau này của Sy-ri, ở phía Bắc giao tranh với dòng họ Ptolemies là các vị Vua Ai Cập ở miền Nam, cho đến khi Antiochus Ephiphanes nổi dậy khoảng 165 T.C. (11:21-32). Tất cả những lời tiên tri này đều đã ứng nghiệm y như vậy, và đã có những bằng chứng lịch sử được ghi chép lại cho đến ngày nay. Những lời tiên đoán này không là những nan đề, hay trở nên vấn đề gây sự lúng túng cho đức tin người theo Chúa. Sự ứng nghiệm lời tiên tri rất nhiều như thế này là một bằng chứng siêu nhiên rằng Đức Chúa Trời đã phán dạy.

C. KẾT LUẬN
Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, sự vô ngộ của Kinh Thánh không chỉ là sự ngộ nhận của niềm tin, nhưng nó còn được chứng minh bằng những phương pháp khoa học, như khảo cổ học chẳng hạn. Ngoài ra, sự bảo tồn Kinh Thánh và sự ứng nghiệm của các Lời tiên tri trong Kinh Thánh cũng là bằng chứng không thể chối cãi. Nếu Kinh Thánh sai lầm, không vô ngộ, thì nó sẽ không bao giờ được bảo tồn trong một thời gian dài như vậy. Các lời tiên tri trong Kinh Thánh cũng không thể nào có thể ứng nghiệm và cung ứng cho chúng ta những bằng chứng lịch sử ngày nay. Từ những bằng chứng được tìm được, đã giúp chúng ta xác thực niềm tin rằng, Kinh Thánh thật là Lời Đức Chúa Trời và là Lời Vô Ngộ (không có sự sai lầm). Giống như câu Kinh Thánh trong sách Ma-thi-ơ 5:18 chép rằng: “Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn”. Như vậy, những lời tiên tri trong Kinh Thánh dù đã được ứng nghiệm, hay chưa ứng nghiệm thì một ngày nào đó không xa nó cũng sẽ được ứng nghiệm, và sẽ là bằng chứng không thể chối cãi được Kinh Thánh thật là Lời Đức Chúa Trời và là lời vô ngộ. Việc chúng ta chối bỏ niềm tin vào sự vô ngộ của Kinh Thánh cũng là bằng chứng cho thấy chúng ta không thuộc về Đức Chúa Trời. I Giăng 4:6 “Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời: ai nhìn biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta; còn ai chẳng hề thuộc về Đức Chúa Trời, thì chẳng nghe chúng ta. Ấy bởi đó chúng ta nhìn biết thần chân thật và thần sai lầm.”

THƯ MỤC THAM KHẢO


[1] Tiến sĩ R. Laird Harris, Vô Ngộ Va Không Sai Lạc, Thánh Kinh Nhập Môn (Ubtroduction tu the Bible), Viện Thần Học Việt Nam.
[2] Millard J. Erickson, Thần Học Cơ Đốc Giáo (TP Hồ Chí Minh: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005, p252
[3] Kevin J. van Hoozer, “The Semantics of Biblical Literature: Truth and Scripture’s Diverse Literary Forms,” in Hermeneutics, Authority an Canon, ed. D.A. Carson and John D. Woodbridge (Grand Rapids: Zondervan, 1986), p90-104
[4] Tiến sĩ R. Laird Harris, Opcit.
[5] Erickson J. Millard, Opcit, p232
[6] Erickson J. Millard, Opcit, p256
[7] Augustine, Letter 82.3
[8] Martin Luther, Werke, Weimar edition (WA), vol. 34.1, p356.
[9] Richard Lovelace, “Inerrancy: Some Historical Perspectives,” in Inerrancy and comon Sense, ed. Roger Nicole and J. Ramsey Michaels, P26-36.
[10] Erickson J. Millard, Opcit, p257-258
[11] Erickson J. Millard, Opcit, p254
[12] Auguste Sabatier, Outlines of a Philosophy of Religion (New York: James Pott, 1916), p90
[13] Emil Brunner, Our Faith (New York: Cribner, 19360), p9-10
[14] James Martincau, A Study of Religion: Its Sources and Contents (Oxford: Clarendon, 1889), p 168-
[15] David Hubbard, “The Irrelevancy of Inerrancy” in Biblical Authority, ed. Jack Rogers, p151-181
[16] Tiến sĩ R. Laird Harris, Opcit.
[17] Mecginley, op. Cit., p.10
[18] Tiến sĩ R. Laird Harris, Opcit.
[19] Sách Giáo Khoa Biện Giáo, Viện Thần Học Việt Nam, p 68
[20] Sách Giáo Khoa Biện Giáo, Opcit, p 62
[21] Tiến sĩ R. Laird Harris, Opcit.

Nguyễn Hưng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét