Header Ads Widget

Tính 3 trong 1 Của Đức Chúa Trời (Giáo Lý 3 Ngôi)

Tính 3 trong 1 Của Đức Chúa Trời (Giáo Lý 3 Ngôi)
Giữa các tôn giáo trên thế giới, chỉ duy nhất Cơ Đốc giáo tin rằng Đức Chúa Trời có một, song Đức Chúa Trời cũng là 3. Dù bề ngoài giáo lý này dường như tự mâu thuẫn và không được nói rõ một cách công khai trong Kinh Thánh, nhưng là những tín đồ tin kính chúng ta phải tôn trọng tất cả những lời chứng và sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Vì chưng sự dạy dỗ của Kinh Thánh có nói về Đức Chúa Trời là duy nhất; nhưng cũng có chứng cớ trong Kinh Thánh cho thấy Ba Ngôi, cả 3 đều là Đức Chúa Trời; và Kinh Thánh cũng gợi ý về lẽ đạo 3 Ngôi hiệp nhất.

Quan điểm từ giáo lý 3 Ngôi sẽ giúp chúng ta biết phải thờ phượng ai? Cầu nguyện với ai? Chỉ Đức Chúa Cha, hay Đức Chúa Con, Đức Thánh Linh hoặc thờ phượng cả 3 Ngôi Đức Chúa Trời? Có nên xem Đức Chúa Con ngang hàng bản tính với Đức Chúa Cha, hay phải liệt Ngài xuống địa vị thấp hơn?
Tính 3 trong 1 Của Đức Chúa Trời (Giáo Lý 3 Ngôi)

I. Tín Lý Độc Nhất Của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh:

1. Cựu Ước dạy về tính độc nhất.

Xuất 20:2-3: 1 Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy, rằng: 2 Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. 3 Trước mặt ta (hoặc ngoài Ta ra), ngươi chớ có các thần khác.

Từ Hê-bơ-rơ « trước mặt ta » hoặc « ngoài ta ra » là « al-panai », có nghĩa đen là « trước mặt Ta » bày tỏ sự kiện Ngài là duy nhất qua những gì Ngài đã làm. Trong cả Cựu Ước chỉ có một Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sắc, và Gia-cốp mà thôi, chứ không phải là nhiều Đức Chúa Trời. (Xuất 3 :13-15).

Phục 6 :4 « 4 Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.(t)” Nếu đọc cả Phục truyền đoạn 6, chúng ta thấy rằng, người Y-sơ-ra-ên phải tiếp nhận, truyền dạy, suy gẫm, ghi tạc trong long,  phải nói về giáo lý này khi ở nhà, lúc đi đường, khi đi ngủ và lúc thức dậy (phuc 6:7). Họ phải dùng sự trợ giúp để ghi nhớ điều răn này, mang những lời đó trên tay, trên trán, ghi tạc trên khung cửa cũng như trước cổng. Dù có nhiều bản dịch chính thống khác nhau từ tiếng Hê-bơ-rơ của phục 6:4, nhưng tất cả đều nhấn mạnh về thần tính độc nhất vô nhị không gì sánh được. Trong Phục 6:5, người Y-sơ-ra-ên được dạy rằng” 5 Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.(u)”. nhằm nhấn mạnh tính độc nhất của Ngài.

2. Tân Ước dạy về tính độc nhất.

Gia Cơ 2:19 19 Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ. Ở đây cho thấy rằng niềm tin Đức Chúa Trời duy nhất được khen ngợi, cho dù điều đó chưa đủ để xưng công nghĩa, vì “ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ”.

I Cô 8:4-6 “4 Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác. 5 Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều chúa), 6 về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.” Xét câu Kinh thánh này chúng ta thấy rằng, cũng như luật pháp Mô-se, ông Phao-lô nhằm loại trừ sự thờ lạy hình tượng và đa thần giáo vì cho rằng chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất, chứ không nhằm loạt trừ giáo lý 3 Ngôi hiệp một.

II. Sự Dạy Dỗ Kinh Thánh Cho Thấy 3 Ngôi Đều Là Đức Chúa Trời.

Vầy điều gì đã khiến Hội Thánh đi xa hơn khi nói về giáo lý 3 Ngôi? Vì chính Kinh Thánh đã đưa ra chứng cơ cho thấy Ba Ngôi đều là Đức Chúa Trời.

Thứ nhất, Thần tánh của Ngôi thứ nhất là Đức Chúa Cha, thì hầu như không có gì bàn cãi.

Thứ hai, Thần tánh của Chúa Jesus có phần phức tạp hơn, dù Kinh Thánh cũng xem Ngài như Đức Chúa Trời. Dưới đây là những bằng chứng KT xác chứng Chúa Jesus là Đức Chúa Trời.

Bằng chứng 1:

Phi-lip 2:5-11 “5 Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, 6 Ngài vốn có hình(f) Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7 chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8 Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9 Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10 hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, 11 và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.(g)  Mặc dù phân đoạn Kinh Thánh này về ý nghĩa chính của nó là kêu độc giả phải có lòng khiêm nhường như Chúa Jesus đã có. Nhưng nó cũng nói nên thần tính của Ngài là Đức Chúa Trời.

Cụm từ “có hình Đức Chúa Trời”, từ hình trong tiếng Hy-lạp là “morphẽ” theo từ điển Hy-lạp cổ điển thì có nghĩa “toàn bộ những đặc điểm cấu thành một vật thể”. Nó nói lên bản chất thật sự của một vật thể. Khi nói Chúa Jesus “có hình Đức Chúa Trời” điều đó có nghĩa Ngài có bản thể là Đức Chúa Trời, hay nói đúng hơn Ngài là Đức Chúa Trời. Đối với Phao lô là một người Do thái chính thống, tiếp nhận nhận một nền giáo dục khắt khe của Do Thái giáo, thì câu KT “6 Ngài vốn có hình(f) Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ;” thật sự câu KT này là một lời tuyên bô lạ lung. Nhưng lại phản ánh đức tin của Hội Thánh thời kỳ đầu tiên,  một niềm tin sâu sắc nơi thần tính trọn vẹn của Đấng Christ. Niềm tin này không chỉ được biểu lộ qua từ “morphẽ” mà còn qua từ “bình đẳng” (tiếng Hy-lạp: ‘i’ϭα-isa) với Đức Chúa Trời. Theo từ Hy-lạp này, sự bình đẳng với Đức Chúa Trời phải là điều Ngài có được từ trước. Và đã ngang bằng với Đức Chúa Trời thì Ngài phải là Đức Chúa Trời.

Bằng Chứng 2:

Một bằng chứng khác đó là bức thư gửi cho người Hê-bơ-rơ là những người tin độc thần thuyết một cách tuyệt đối, mà lại dám khẳng định một cách chắc chắn thần tính của Chúa Jesus và sự bình đẳng của Ngài với Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 1:1-8 : 1 Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, 2 rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; 3 Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trờihình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, 4 vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu. 5 Vả, Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng: Ngươi là Con ta, Ngày nay ta đã sanh ngươi?(a) Lại há có khi nào phán: Ta sẽ làm Cha người, Người sẽ làm Con ta?(b)6 Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con. 7 Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, Và tôi tớ Ngài như ngọn lửa,(c) 8 Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia, Quyền bính(d) của nước Chúa là quyền bính ngay thẳng.

Khi nghiên cứu về phân đoạn KT này chúng ta có một vài nhận định như sau: Trong những câu đầu, trước giả muốn chứng minh Con là cao hơn các thiên sứ, ông đã lưu ý rằng Đức Chúa Trời đã phán qua con, lập con là người kế tự muôn vật, bởi con mà dựng nên thế gian (trong câu 2). Sau đó ông mô tả Con “chói sang” (Hy-lạp: apaugasma) sự vinh hiển Đức Chúa Trời” và là “hình bóng của bản thể Ngài” (Hy-lạp: carkthrths tẽs hupostasews). Đây là 2 câu cho thấy rõ ràng Chúa Jesus mang bản thể Đức Chúa Trời và Ngài là Đức Chúa Trời. Nhưng một số lại cho rằng, điều này chỉ xác nhận Đức Chúa Trời đã khải thị chính Ngài qua Con, chứ không phải con là Đức Chúa Trời. Vậy thì chúng ta sẽ giải thích làm sao trong ngữ cảnh tổng thể lại cho thấy điều ngược lại? Ngoài việc tự tỏ ra là Cha của Đấng mà Ngài gọi Con là ở câu 5. Nhưng trong câu 8 trích dẫn từ Thi thiên 45:6 đã gọi “Con là Đức Chúa Trời” – ( 8 Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời,) và câu 10 là “Chúa” (được trích từ Thi thiên 110:1).

Bằng chứng 3.

Dù Chúa Jesus chẳng bao giờ xác nhận thần tính của Ngài, nhưng cũng có rất nhiều câu KT cho thấy, Ngài ý thức về thần tính của Ngài. Như:

- Ngài tự cho là sở hữu những điều chỉ có Đức Chúa Trời mới có. Ngài gọi các thiên sứ của Đức Chúa Trời là thiên sứ của Ngài (Lu 12:8-9), 15:10; Mat 13:41). 

- Ngài xem nước Đức Chúa Trời và những người được chọn của Đức Chúa Trời như là của chính Ngài (Mat 12:28; 19:14, 24; 21:31,43; Mác 13:20).

- Ngài nhận có quyền tha tội (Mác 2:8-10). Người Do Thái biết rằng, chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội do đó họ buộc tội Chúa Jesus là lộng ngôn (Hy-lạp: blasphẽmia).

- Ngài cho mình có quyền phán xét thế gian và cai trị thế gian này (Mat 25:31; 24:30; Mác 14:62).

- Trước khi bị xử án, người ta buộc tội Ngài đã nhận mình là Con Đức Chúa Trời (Giăng 19:7; Mat 26:63-65). Từ “Con Đức Chúa Trời theo cách hiểu của người Do Thái Ngài chính là Đức Chúa Trời” nên đối với họ đây là một tội lộng ngôn và phải bị xử tử. Nếu Chúa Jesus không tự nhận mình là Đức Chúa Trời thì đây sẽ là cơ hội để Ngài xóa tan hiểu lầm đó.

- Trong phiên xét xử trước mặt Cai-phe, người ta hỏi Ngài “ngươi có phải là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hay không?” Chúa Jesus đã đáp lại “Thật như lời”. Ngài còn nói tiếp “vả lại, ta nói cùng các ngươi,về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống.(o)” (Mat 26:43-65). Ở đây, Chúa Jesus một mực xác nhận thần tính của Ngài, mặc dù việc xác nhận này sẽ mang đến một cái chết đau đớn trên Thập Tự giá.

- Một bằng chứng quan trọng khi Chúa Jesus phục sinh và Thô-ma xưng Chúa Jesus “Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28). Ngài không hề phản bác về danh xưng trên, dương như đó là điều hiển nhiên không cần phải tranh cãi.

Thứ 3, Những Đoạn KT xem Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời.

Ở đây, chúng ta có thể xem những đoạn KT mà trong đó cách nói về Đức Thánh Linh và về Đức Chúa Trời có thể hoán chuyển cho nhau. Công 5:3-4 “3 Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? 4 Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào, ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời.  Việc nói dối Đức Thánh Linh ở câu 3, cũng có nghĩa là nối dối Đức Chúa Trời ở câu 4.

Đức Thánh Linh cũng được mô tả là có những phẩm chất và thực hiện những công việc của Đức Chúa Trời:

- Đức Thánh Linh bắt phục con người thấy tội lỗi, sự công bình và sự phán xét. Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi;vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến. 8 Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. 9 Về tội lỗi, vì họ không tin ta; 10 về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa; 11 về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét.  (Giăng 16:8-11)

- Ngài tái sanh hoặc ban sự sống mới 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy. (Giăng 3:8)

- Đức Thánh Linh là Đấng ban ân tứ cho Hội Thánh và là Đấng toàn quyền quyết định ai là người nhận lãnh ân tứ này. Ngài cũng nhận vinh dự, vinh quang chỉ dành cho Đức Chúa Trời 4 Vả, có các sự ban cho khác nhau,nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.(a) 5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. 7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. 8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh,được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. 9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; 10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. 11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.  (ICo 12:4-11).

- Phao lô nhắc nhở các tín hữu tại Corinto rằng, họ là đền thờ của Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh ngự trong long họ (ICo 3:16-17). Đến đoạn 6:19-20 Phao lô lại nhắc, thân thể họ là đền thờ Đức Thánh Linh trong long họ.

- Đức Thánh Linh được đặt ngang hàng với Đức Chúa Trời: (1) trong thể thức Báp-tem (Mat 28:19); (2) lời chúc phúc của Phao lô trong IICo 13:13; (3) Phi-e-rơ gọi độc giả của ông là “người được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, và được lên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Jesus và có phần trong sự rải huyết Ngài. (Iphi 1:2)

III. Giáo Lý Ba Ngôi Hiệp Một.

Nếu nhìn vào những chứng cớ ở phần I và II, giáo lý Đức Chúa Trời độc nhất và Đức Chúa Trời 3 Ngôi dường như mâu thuẫn nhau.  Nhưng 2 khía cạnh này đều được nói đến trong Kinh Thánh, vì vậy không thể nào tin điều này hay chối bỏ điều kia. Niềm tin của con cái Chúa trải dài các thế kỷ, từ thời kỳ Hội Thánh đầu tiên cho tới bây giờ thì niềm tin nay vẫn không thay đổi. Chỉ khác là cách diễn giải cho dễ hiểu hơn mà thôi.

Sau bao nhiêu năm chịu sự bắt bớ, tử đạo, Hội Thánh đã đi đến thống nhất và kết luận rằng, Đức Chúa Trời phải được hiểu là ba trong một, hay nói cách khác là 3 Ngôi hiệp nhất.  Về vấn đề giải thích giáo lý Ba Ngôi rất là phức tạp không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Chính vì vậy, ai đó đã nói về giáo lý này như sau: “Cố giải thích thì sẽ mất trí; Nhưng cố chối bỏ thì sẽ mất linh hồn”.

Những Câu Kinh Thánh Tham Khảo Thêm Nhằm Nhắc Nhở Giữ Vững Niềm Tin.

IIPhi-e-rơ 2:1-3. 1 Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. 2 Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha. 3 Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối trá khoét anh em; nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay, và sự hư mất của họ chẳng ngủ.

IGi 4:1-6. Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng;vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ. 2 Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời: phàm thần nào xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời; 3 còn thần nào không xưng Đức Chúa Jêsus, chẳng phải bởi Đức Chúa Trời. Đó là thần của Kẻ địch lại Đấng Christ, mà các con đã nghe rằng hầu đến, và hiện nay đã ở trong thế gian rồi.  4 Hỡi các con cái bé mọn, phần các con, là thuộc về Đức Chúa Trời, đã thắng được họ rồi, vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian. 5 Họ thuộc về thế gian, cho nên nói theo như thế gian, và người thế gian nghe họ. 6 Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời:ai nhìn biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta; còn ai chẳng hề thuộc về Đức Chúa Trời, thì chẳng nghe chúng ta. Ấy bởi đó chúng ta nhìn biết thần chân thật và thần sai lầm.

Mác 13:22 Những christ giả, tiên tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu lạ phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng dỗ dành chính những người được chọn.

Mat 24:11   Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ.

Mat 24:24   Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.

Mat 7:15 Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi,  song bề trong thật là muông sói hay cắn xé.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Đăng nhận xét

1 Nhận xét

  1. Về Đức Chúa Trời Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh cả Ba Ngôi hiệp nhất trong MỘT Đức Chúa Trời [đồng đẳng - Đồng quyền - Đồng vinh] --> Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời; Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời; Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời. Không có sự phân rẽ về thứ hạng, quyền năng, phẩm giá; cả Ba Ngôi là một Đức Chúa Trời chân thần.
    .........................
    Yếu tố lý trí là điều không nên có và không cần thiết khi áp dụng để giải thích về Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

    Trả lờiXóa