Header Ads Widget

Xây Dựng Đời Sống Phục Vụ

Nhìn vào dòng lịch sử nhân loại, chúng ta nhận thấy, thế giới chúng ta đang sống rất cần những con người phục vụ. Tác giả Nguyên sinh có lẽ không sai khi viết: “Hội Thánh là tôi tớ của xã hội. Người tin Chúa được kêu gọi để làm tôi tớ phục vụ.”  Tác giả không có ý muốn hạ thấp giá trị Hội Thánh so với xã hội. Nhưng ông muốn nhấn mạnh về tấm gương phục vụ của Chúa Jesus bằng hình ảnh Ngài hạ mình rửa chân cho các môn đồ. 


Ích Lợi Của Một Đời Sống Phục Vụ
Ích Lợi Của Một Đời Sống Phục Vụ

Chúng ta là những người được Chúa cứu, chúng ta cũng nên học theo tấm gương đó bằng đời sống hạ mình phục vụ. Rich Warren nói: “Bất cứ khi nào bạn phục vụ những người khác theo bất cứ một phương cách gì, thì đó thực sự là phục vụ Đức Chúa Trời và làm trọn một trong những mục đích của chúng ta”.  Vì vậy, phục vụ là nhân tố quan trọng, giúp mọi người hành phúc hơn, không chỉ những người được phục vụ mà còn cả những người đang thực hiện công việc phục vụ. Phục vụ giúp xóa tan đi những ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống và nhận ra giá trị bản thân. Trên khía cạnh bài viết “Đời Sống Phục Vụ”, chúng ta thấy rằng, thế giới chúng ta cần những con người có tinh thần phục vụ, vì nó cần thiết cho việc tạo ra những giá trị giúp thay đổi xã hội. Bài viết giúp độc giả nhận ra được giá trị của phục vụ là làm những công việc có giá trị cho bản thân và xã hội. Để tìm hiểu về đề tài, chúng ta cùng nghiên cứu những khái niệm, tầm quan trọng, cũng như ích lợi người phục vụ nhận được.

I. PHỤC VỤ LÀ MỘT SỨ MẠNG

Trong bài học về Phục vụ tác giả Nguyễn Sinh đã viết: “Phục vụ nhau nghĩa là thực sự chăm sóc, đỡ nâng những gánh nặng của nhau, đứng chung trong mọi khó khăn, và thực hiện nghĩa cử tha thứ, làm cho người hòa thuận dù giá phải trả là gì chăng nữa.”  Thật vậy, phục vụ đôi khi đòi hỏi ơ chúng ta đó là sự trả giá. Sự trả giá đó đôi khi là thơi gian, tiền bạc, sức lực và cả những tổn thương mà chúng ta gặp phải. Nhưng nó lại giúp đem những giá trị bản thân của chúng ta vào trong cuộc sống và làm cho cuộc sống chúng ta thêm ý nghĩa. 

1. Khái niệm phục vụ
Khi nói đến phục vụ là chúng ta nói đến những công việc cụ thể nhắm tới việc giúp đỡ, hầu việc người khác. Dưới đây là những khái niệm về phục vụ:

Từ điển Kinh Thánh: 
“Chữ này được dịch từ nhiều từ của tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp như: “'ābad - “phục vụ, làm việc”; shārat - “hầu việc” trong tiếng Hê-bơ-rơ; diakonia - “hầu (bàn)”; leitourgia - “công chức” như công tác của một thầy tế lễ; douleuō - “làm nô lệ”; latreuō - “phục vụ, quản lý ” trong tiếng Hy Lạp.”  

Theo từ điển này, phục vụ là làm việc, hầu việc, hầu bàn, cũng có thể là một công chức, một nô lệ hay một quản lý. Khái niệm này cho thấy phục vụ không có phân biệt giai cấp. Dù ở địa vị nào chúng ta cũng có thể là người phục vụ.

Từ điển LạcViệt: “phục vụ có nghĩa là làm những việc thuộc trách nhiệm của mình, nhằm giúp ích trực tiếp cho cái gì hay cho người khác.   Ở khái niệm này, phục vụ có nghĩa là dù chúng ta làm bất cứ điều gì, miễn điều đó mang ích lợi cho người khác và xã hội là chúng ta đang phục vụ.

Từ điển Webster định nghĩa về tôi tớ đã định nghĩa như sau: Tôi tớ = một người phục vụ hay hầu hạ cách tự nguyện hoặc không tự nguyện. Một người trong tình trạng bị khuất phục.  Theo từ điển này, một người phục vụ cũng được hiểu là một tôi tớ. Vì vậy, thật dễ hiểu khi Tiến sĩ Phạm Hoàng lấy nhan đề cho cuốn sách của mình là “Lãnh Đạo Trong Tinh Thần Tôi Tớ”. Ông giải thích: “một người lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ, có thể định nghĩa như là một người săn sàng phục vụ, có bổn phận thực hiện trách nhiệm và chân thành khao khát được phục vụ Chúa.”  Vì vậy, “lãnh đạo” cũng là phục vụ.

Từ những khái niệm trên chúng ta có thể đúc kết rằng, phục vụ là những việc làm, những hành động trong đó dù chúng ta đóng vai trò nào, nhưng những việc làm, hành động ấy mang lại ích lợi cho cộng đồng và xã hội là chúng ta đang phục vụ. Còn người có đời sống phục vụ là người dấn thân vào những công việc phục vụ và có tinh thần, mong muốn phục vụ.

2. Sứ Mạng Đời Sống Phục Vụ.
Phục vụ là một sứ mạng và người phục vụ là người mang lấy sứ mạng ấy. Nói cách khác, chúng ta sinh ra đã có sứ mạng phục vụ. Khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời có phán “…hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Sáng 1:28). Chữ “quản trị”, theo như khái niệm chúng ta trình bày phần trên, thì quản trị cũng là của phục vụ. Đức Chúa Trời tạo dựng con người cho chính Ngài và Ngài mong muốn con người quản trị mọi tạo vật. Nói cách khác Chúa muốn con người phục vụ cho các tạo vật của Ngài dựng nên. Đây có lẽ cũng là lý do tiến sĩ Cho Yonnggi phát biểu trong cuốn sách Sống Thành Công của mình rằng: “Chúng ta là loài người được sinh ra với hai sứ mạng trước hết, phục vụ Chúa, thứ hai phục vụ người khác và thế giới.”  Vì vậy, phục vụ được biết đến trên hết là sứ mạng mà Chúa giao cho chúng ta.

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỜI SỐNG PHỤC VỤ

Một hướng quan trọng khác trong sự phục vụ Đức Chúa Trời của Hội Thánh là qua sự phục vụ người khác. Linh mục Lê Quốc Tuấn có lý khi nói: “Đối với tôi khi nói đến phục vụ là nói đến một công việc cụ thể như giúp người nghèo, làm công tác xă hội, dạy giáo lý, dạy Việt ngữ, v.v.”   Còn Linh mục Thái Nguyên thì nói: “Phục vụ là con đường dâng hiến con người nhỏ bé của ta cho thực tại lớn lao là Thiên Chúa.”   Vì vậy, phục vụ có vai trò quan trọng trong đời sống chúng ta.

1. Phục vụ đem sự dạy dỗ của Chúa Jesus ảnh hưởng ra xã hội
Bạn theo Chúa nhiều năm, chắc bạn rất muốn những lời dạy của Chúa Jesus được ảnh hưởng ra xã hội. Vậy làm sao chúng ta có thể làm được điều đó? Bằng cách chúng ta cống hiến đời sống để mình phục vụ xã hội. Đây cũng là cách Chúa Jesus tạo ảnh hưởng trên đời sống chúng ta, qua việc Ngài phục vụ các môn đồ. Trong bài viết “Tinh Thần Phục Vụ” Mục sư Quốc Hùng đã nói:

“Điều bất ngờ lớn nhất đối với các môn đồ của Chúa Jê-sus và cũng là bài học họ khó tiếp thu nhất, đấy là bài học về sự phục vụ. Vì chưa bao giờ hình ảnh của một vị vua oai phong quyền thế và hết mực cao trọng lại đi đôi với hình ảnh một con người nhu mì phục vụ.” 

Bạn cũng phải đồng ý rằng, chính qua hành động Chúa Jesus phục vụ đã ảnh hưởng trên đời sống chúng ta. Hình ảnh một vị Vua trí tôn rửa chân cho các môn đồ là hình ảnh mà mỗi một Cơ Đốc nhân chúng ta khó có thể quên được. Nếu chúng ta hiểu được việc rửa chân các môn đồ của Chúa Jesus, thì chúng ta cũng nên có tinh thần phục vụ. “Rửa chân là hình thức phục vụ thấp hèn nhất trong nền văn hóa Hêbơrơ. Người Hêbơrơ không cho phép ngay cả những nhân công người Hêbơrơ làm việc này. Họ bắt những nô lệ ngoại bang thấp hèn nhất của họ rửa chân cho khách.”  Hình ảnh Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ, là công việc đúng ra chỉ có nô lệ ngoại bang làm. Đây là hình ảnh đối với văn hóa Do Thái là bị coi thường. Nhưng Chúa muốn chúng ta phục vụ và Ngài đã để lại cho chúng ta một tấm gương phục vụ, vì phục vụ là cách chúng ta có thể ảnh hưởng sự dạy dỗ của Ngài ra xã hội.

2. Phục vụ là nguyên tắc lãnh đạo ảnh hương.
Lãnh đạo cũng là phục vụ, một người lãnh đạo vĩ đại là người phục vụ nhiều hơn người khác và tạo ra ảnh hưởng qua đời sống phục vụ của mình. Thật đúng khi Rosalynn Carter từng nói: “…Một người lãnh đạo vĩ đại đem người ta đến nơi người ta không nhất thiết muốn đến, nhưng cần phải đến”.  Còn theo Kouzes và Pozner (1987) “lãnh đạo là nghệ thuật động viên người khác mong muốn gắng sức vì những khát vọng chung.”  

Vậy làm sao một người có thể ảnh hưởng người khác và khiến họ nghe theo mình? Có lẽ là lòng tin, lòng tin quyết định cho tất cả. Dwight Eisenhower (1989) đã từng nói: “Để trở thành một nhà lãnh đạo thì một người cần phải có người khác đi theo mình. Và để có người theo mình thì người ấy phải có lòng tin của họ.”  Việc một người lãnh đạo có được lòng tin từ mọi người là việc không dễ, nhưng lòng tin có thể đến qua cách người lãnh đạo phục vụ người khác. Vì người ta tình nguyện nghe theo những người phục vụ mình. Bạn không khó để hinh dung ra một người tự dưng vô nắn đầu bạn, chắc bạn rất khó chịu. Nhưng khi đến tiệm cắt tóc, người ta không chỉ sờ nắn đầu, mà còn bẻ nó quay qua lại, mà bạn có thấy bực tức gì đâu – vì bạn biết họ đang phục vụ bạn.  Vì vậy, phục vụ là cách để người ta tin bạn, nghe theo bạn, và cũng là nguyên tắc cho người lãnh đạo ảnh hưởng.

3. Phục vụ giúp thay đổi xã hội.
Đã có khi nào bạn ước ao xã hội chúng ta được thay đổi theo sự dạy dỗ của Chúa. Nhưng làm sao xã hội chúng ta có thể thay đổi đây? Thiết nghĩ điều tạo ra sự ảnh hưởng và làm cho xã hội thay đổi nhiều nhất, đó là sự phục vụ. Tác giả Rich Warren nói: Đức Chúa Trời muốn dùng bạn để thay đổi thế gian của Ngài. Ngài muốn vận hành thông qua bạn. Điều quan trọng không phải là khoảng thời gian sống của bạn, bèn là sự đóng góp của nó. Không phải bạn đã sống bao lâu, bèn là bạn đã sống như thế nào.  Tác giả Jesse Miranda trình bày trong cuốn Hội Thánh Trong Chức Vụ đã nói: “Khi uy quyền của Chúa Giê-xu Christ và trách nhiệm của Hội Thánh được kết hợp, thì sẽ có một sự thay đổi trong thế gian chưa biết Chúa”.  Chúng ta chỉ tin tưởng vào một xã hội thực sự thay đổi khi mọi người phục vụ lẫn nhau. Triết lý kinh doanh của công ty Continental Airlines là: “Sự cống hiến của chúng tôi là sự phục vụ hàng đâu với một chuyến bay tiên nghi, sạch sẽ… ”. Đây có lẽ là khải tưởng mà công ty Continental Airlines muốn hướng tới, và đây cũng là cách góp phần làm thay đổi xã hội. 

Bạn thử tượng tượng, nếu một ngày nào đó khi mọi người đều phục vụ lẫn nhau? Thì cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào? Đây là mô tả của Mục sư Quốc Hùng khi nói về sự phục vụ: 
“Khi nhìn vào thế giới hiện đại, có thể thấy rõ rằng người ta bây giờ đã học được những nguyên tắc phục vụ Chúa đã dạy này mà áp dụng vào xã hội. Tại những đất nước đó xã hội phát triển, chất lượng đời sống cao vì chất lượng phục vụ rất tốt. Ở những đất nước đó quyền con người được tôn trọng, cảnh sát làm việc với tiêu chí là “để bảo vệ và phục vụ”.  
Thật tuyệt vời, khi chúng ta sống trong một xã hội mà sự phục vụ được coi trọng và mọi người phục vụ lẫn nhau. Vì vậy, phục vụ là nhân tố quan trọng giúp thay đổi con người, môi trường và xã hôi.

III. ÍCH LỢI NGƯỜI CÓ ĐỜI SỐNG PHỤC VỤ

Warren (2002) đã từng nói, “Thế giới định nghĩa sự vĩ đại bằng những thuật ngữ quyền lực, của cải, thân thế và địa vị. Nếu bạn đòi hỏi được ai đó phục vụ, thì bạn đã đến đích…”  Đây là việc khó khăn đối với chúng ta, nhưng nếu bạn sẵn sàng phục vụ thì bạn xứng đáng được ban thưởng. Lời Chúa có phán: “Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.” (Mat 10: 42). Lời Chúa cho thấy, Ngài sẽ ban thưởng cho những ai có đời sống phục vụ. 

1. Được tin cậy.
Người phục vụ sẽ được những người xung quanh, cộng đồng và xã hội tin cậy. Những tiêu chuẩn người phục vụ được người khác tin cậy ấy là:

Thứ nhất, phải phục vụ dựa trên giá trị chân thật. Mục sư Quốc Hùng nói: “Người phục vụ chân thật thì nhìn thấy được cốt lõi thuộc linh trong nhu cầu của người anh chị em mình, và giúp đỡ hướng dẫn người ta được giải phóng.”  Đây cũng là cách chúng ta có thể nhận diện được đâu là người phục vụ chân thật và đâu là người phục vụ vì lợi ích cá nhân. 

Thứ hai, người phục vụ giữ được tiêu chuẩn mà người khác mong đợi. Tiến sĩ Phạm Hoàng nói: Phẩm chất đáng tin cậy cũng được thiết lập bởi việc xây dựng một tấm gương tích cực và bởi việc giữ vững những tiêu chuẩn làm việc và những hành vi được người khác mong đợi.  Nếu bạn giữ được tiêu chuẩn mà người khác mong đợi, thì bạn chắc chắn được người ta tin cậy.

Thứ ba, phục vụ không vì mục đích tư lợi. Greenleaf (1978) đã nói: “…giúp người khác khám phá ra tinh thần bên trong của mình, tìm kiếm  và gìn giữ sự tin tưởng của người khác, phục vụ vượt trên tư lợi, và học hỏi hiệu quả.”  Nếu bạn phục vụ vì mục đích tư lợi, bạn sẽ không được gọi là người phục vụ. Một người phục vụ được tin cậy là người phục vụ vượt trên những lợi ích cá nhân.

2. Nhận được niềm vui cuộc sống.
Chắc rằng đã một lần nào đó trong đời, bạn từng giúp đỡ người khác, bạn sẽ  vui sướng khi được làm việc đó, và đó là một cảm giác tuyệt vời. Linh mục Lê Quốc Tuấn nhắc lại lời tâm sự của một người có đời sống phục vụ như sau: “Tôi thường tìm được niềm vui trong các công việc phục vụ, với tôi cảm thấy có Chúa hiện diện trong tôi và trong những người tôi phục vụ.”  Jesse Miranda nói: “Tích cực dự phần vào sự phục vụ mang đến sự vui thỏa  thật.” Bà nói rằng, Chính Chúa Giê-xu cũng đã tìm thấy sự thỏa lòng khi biết rằng Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.”  Khi bạn thật sự phục vụ người khác, Chúa cũng ban cho bạn những niềm vui thật trong cuộc sống.

3. Được Chúa tôn quý.
Kinh Thánh dạy những người theo Chúa phải có đời sống phục vụ, và phục vụ được Chúa tôn quý. Kinh Thánh chép: “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26). Chữ “hầu việc” ở đây cũng là phục vụ. Chắc hẳn bạn còn nhớ Rich Warren từng nói: “Bất cứ khi nào bạn phục vụ những người khác theo bất cứ một phương cách gì, thì đó thực sự là phục vụ Đức Chúa Trời và làm trọn một trong những mục đích của chúng ta”.   Phục vụ người khác đó là cách bạn phục vụ Đức Chúa Trời. Tại sao như vậy? Vì bạn không thể phục vụ Chúa nếu bạn không phụ vụ người khác, vì Chúa là Đấng bạn không thể thấy.  Bạn còn nhớ phân đoạn Kinh Thánh Chúa ban thưởng cho những người biết phục người khác:
34 Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. 37 Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? 38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? 39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? 40 Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy (Mat 25:34-40).

Nếu chúng ta phục vụ người khác, chúng ta biết chắc rằng, chúng ta là những người được Chúa tôn quý, và Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta.

KẾT LUẬN

Có khi nào bạn từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống? Bạn từng nhận được sự giúp đỡ từ người khác? Hay có khi nào bạn từng là người giúp đỡ cho một ai đó? Bạn sẽ nhận thấy rằng, phục vụ thật có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc sống.

Bạn đã biết, người có đời sống phục vụ là người có tinh thần, mong muốn, dân thân vào những việc làm những việc mang ích lợi cho cộng đồng và xã hội. Những con người như vậy, ở trong bất cứ xã hội nào cũng cần, và người phục vụ có vai trò quan trọng trong đời sống, họ xứng đáng được vinh danh, được cuộc sống ban thưởng. Vì, trong thế giới chúng ta, phục vụ rất cần thiết để mang đến những giá trị giúp thay đổi xã hội. 

Jesse Miranda tững nói: “Mỗi một người nên dùng ân tứ đã nhận lãnh để phục vụ người khác, như một người quản trị giỏi, khéo quản trị ân sủng khác nhau của Đức Chúa Trời.  Để kết lại, chúng ta cùng xem Kinh Thánh 1 Cô 15:58 “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”.Đúng như Lời Kinh Thánh đã nói, việc chúng ta phục vụ người khác, cộng đồng và xã hội sẽ không bao giờ là điều vô ích. Nếu bạn muốn thấy được giá trị của nó, hãy bước vào phục vụ.

THƯ MỤC THAM KHẢO
________________________________________
  1. Eisenhower, D. Dwight. Great Quotes from Great Leaders. Peggy Anderson (e.d), Lombard: Great Quotations, 1989.
  2. Greeleaf, K. Robert. Servant Leader and Fol-lower, (Paulist Press: New York, 1978).
  3. Kouzes, J. M. and Pozner, B.Z. The Leadership Challenge. Jossey – Bass, San Francisco, CA, 1987.
  4. Lacviet. Phục Vụ.  In LacViet [Phần mềm Từ Điển Lạc Việt [mtd For Students]]", (Copyright (c) 2011 - by DCS Center: Phần tra cứu Tiếng Việt).
  5. Lê, Tuấn Q. “Sứ Mệnh Và Phục Vụ”. Đồng Hành. số 9&10, 1995: 31-32.
  6. Miranda, Jesse. Hội Thánh Chúa Trong Chức Vụ (The Christian Church in Ministry). (Thư viện trực tuyền Viện Đại Học Toàn Cầu – Global University: http://tinlanh.info/home/vi/book/CS4141/, N.d.).
  7. Nguyễn, Sinh. Vui Sống. Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc [Tổng Hội]: http://tinlanhmienbac.org/?do=news&act=detail&id=3049  (19/07/2014). Truy cập ngày 21/07/2014.
  8. Nguyễn, Sinh. Phục vụ. Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc [Tổng Hội]: http://www.tinlanhmienbac.org/index.php?do=news&act=detail&id=2798 (21/04/2014). Truy cập ngày 21/07/2014.
  9. Phạm, Hoàng. Lãnh Đạo Trong Tinh Thần Tôi Tớ (Servant Leadership).  Mustang, OK: Tate Publishing & Enterprises, 2005.
  10. Quốc, Hùng. Tinh Thần Phục Vụ, From Tinlanh.ru: http://www.tinlanh.ru/hau-viec-chua/co-ban/751-tinh-thn-phc-v?&tmpl=component. truy cập ngày 21/07/2014.
  11. Thái, Nguyên. Phục vụ. from Simon Hòa Đà Lạt:  http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/16PhucVu.htm, Truy cập ngày 21/07/2014.
  12. Vietbible 2.0, Được Kêu Gọi Để Phục Vụ. (In Vietbible, Chương Trình Calvary, 2005).
  13. Vietbible 2.0. Phục Vụ. (In Vietbible, Từ Điển Kinh Thánh, 2005).
  14. Vietbible 2.0. Được Kêu Gọi Để Phục Vụ, (In Vietbible, Chương Trình Calvary, 2005).
  15. Warren, Norman. “Why Believe”. Barbour Pub-lishing, 2000. P.5.
  16. Warren, Rich. Sống Theo Đúng Mục Đích[ngày số 29]. (Thư viện VietBible, n.d.).
  17. Yonggi, Cho. Sống Thành Công. (Thư viện Niềm Tin Cơ Đốc – www.tinlanh.ru, n.d.).

Nguyễn Hưng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét