Xuất thân: Ê-xê-chi-ên là một thầy tế lễ, đến từ Giê-ru-sa-lem, và là con trai của Bu-xi. Ê-xê-chi-ên bị lưu đày qua Ba-by-lôn khi vua Giê-hô-gia-kin đầu hàng Nê-bu-cat-nết-sa vào năm 597 T.C, chỉ 10 năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, khi đó ông khoảng 25 tuổi. Tại Ba-by-lôn, ông sống tại A-bíp, bên bờ sống Kê-ba. Ông đã lập gia đình, vợ ông chết khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm (24:8)[1].
Mỗi tiên tri gắn liền với các chức vụ và thời kỳ, bối cảnh khác nhau. Không tiên tri nào giống với tiên tri nào. Cũng như Giê-rê-mi, tiên tri Ê-xê-chi-ên xuất thân là một thầy tế lễ. Chắc hẳn ông đã được chuẩn bị rất nhiều trong chức vụ tư tế. Điểm khác biệt là Ê-xê-chi-ên thi hành chức vụ trong giai đoạn quốc gia bị lưu đày. Ông đã lập gia đình, tuy nhiên vợ ông đã chết khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm. Trước những nghịch cảnh, có lẽ sẽ có những sự cay đắng trong chức vụ của người hầu việc Chúa. Nhưng trong mọi nghịch cảnh mà chúng ta phải đối diện, Chúa dùng điều đó để chúng ta để phục vụ Ngài. Là người phục vụ Chúa, chúng ta cần nhận biết, hầu việc Chúa không phải lúc nào cũng gặp thuận cảnh. Nhưng đôi khi chúng ta phải chấp nhận những nghịch cảnh trong cuộc sống. Khi nghiên cứu lịch sử các bản Thánh Ca tôn vinh Chúa, chung ta nhận thấy, chúng xuất phát từ những nghịch cảnh mà các trước giả đang đối diện.
Sứ điệp Ê-xê-chi-ên: Đây là sách mà hầu hết mọi người càm thấy vô cùng khó hiểu. Phần lớn các lời tiên tri của ông được viết dưới các hình ảnh biểu tượng. Những gì ông thực sự thấy trong khải tượng của mình là biểu tượng, tượng trưng cho quyền năng và vinh quang Đức Chúa Trời. Sứ điệp của ông phù hợp với Cơ Đốc nhân bị đàn áp và nhắc nhở họ về quyền tể trị tối thượng của Ngài.
Là người bước vào chức vụ hầu việc Chúa, chắc hẳn chúng ta đều là người tin Chúa đã lâu. Chúng ta nhận thấy, Lời Đức Chúa Trời đôi khi thật dễ hiểu ngay đối với những người ít học thức. Tuy nhiên, nó cũng khó hiểu ngay cả đối với những người có học thức cao. Vậy, có tiêu chuẩn nào để giúp chúng ta hiểu được lẽ thật Lời Đức Chúa Trởi? Ngoài việc được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh. Đời sống Cơ Đốc nhân cũng nên giống như một “giếng nước”. Giếng muốn có nước, nó phải được đào sâu xuống lòng đất. Giếng nước càng xâu, thì nước càng ngon. Cũng vậy, để hiểu Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cũng cần đào sâu nghiên cứu và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, giống như đào một cái giếng. Càng nghiên cứu Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận thấy quyền năng, vinh quang của Đức Chúa Trời, và quyền tể trị của Ngài trên đời sống chúng ta.
Sự kêu gọi Ê-xê-chi-ên: Ông thấy khải tượng về Đức Chúa Trời, ông nghe tiếng Chúa phán, ông cảm nhận quyền năng Chúa (1:1-3). Ông được cảm thúc với sự vinh quang của Đức Chúa Trời mà ông phục vụ. Ông nhìn thấy Chúa trong sự oai nghi của Ngài qua khải tượng (1:25-28). Sự hiện thấy ngai Đức Chúa Trời là bối cảnh sự kêu gọi của Ê-xê-chi-ên khi ông ngồi bên sống Kê-ba (2:1-5).
Sự kêu gọi của tiên tri Ê-xê-chi-ên bằng những khải tượng của ông về Đức Chúa Trời. Đôi khi Đức Chúa Trời đặt để những hình ảnh đó trong tâm trí của ta để nhắc nhở chúng ta về sự kêu gọi của Ngài. Vì vậy, chúng ta không có gì ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời dùng nhiều cách khác nhau để nhắc nhở các tôi tớ của Ngài về sự kêu gọi.
Nguyễn Hưng - Bài viết có dựa trên tài liệu "Những Chủ Đề Từ Các Đại Tiên Tri" - David Betts
0 Nhận xét