Mỗi triên tri trong Cựu Ước đều có sự kêu gọi, xuất thân, đối tượng thính giả, thời điểm thi hành chức vụ khác nhau. Tuy nhiên, họ có điểm chung là rao báo về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, cảnh báo tội lỗi, và nói tiên tri về những điều sẽ xảy ra trong tương lai, nhất là sự phán xét của Chúa nếu dân chúng không chịu ăn năn. Lời tiên tri của họ không chỉ đúng với thời kỳ họ thi hành chức vụ mà còn đúng cho chúng ta ngày nay. Ở họ chúng ta sẽ học được nhiều điều tuyệt vời trong chức vụ hầu việc Chúa của chúng ta ngày nay.
Áp-đia: Đầy Tớ Của Đức Chúa Trời.
Tiên tri Áp-đia thi hành chức vụ trong khoảng thời gian 845 TC – 586 TC, đồng thời với Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên. Sứ điệp của ông được đưa ra sau khoảng thời gian Giê-ru-sa-lem bị thất thủ. Đây là sách ngắn nhất trong Cựu Ước, tập trung chủ yếu về sự phán xét Ê-đôm, con cháu Ê-sau. Áp-đia đã nhìn thấy những gì sắp xảy ra và đã nhận được một sứ điệp trực tiếp từ Chúa. Ông tích cực trình bày bởi vì ông biết, ông đã nghe từ Chúa. [1]
Chúng ta có rất ít dữ liệu về tiên tri Áp-đia, tuy nhiên ông là một trong những tiên tri khá năng nổ trong việc tuyên báo Lời Chúa. Sách của ông cũng có giá trị như các sách tiên tri khác đều nhằm tới sự cảnh báo, lên án tội lỗi. Khía cạnh đặc biệt ở lời tiên tri Áp-đia là việc cảnh báo dân cư Ê-đôm đã vui mừng khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bởi người Canh-đê. Họ đã tham gia vào việc cướp phá, hủy diệt dân cư Đức Chúa Trời, vì cớ lòng cay đắng, ganh ghét. Họ không nghĩ đến tình Y-sơ-ra-ên là anh em với họ. Đây cũng là một lời cảnh báo cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng sẽ bị đoán phạt khi vui mừng về những hoạn nạn xảy đến cho anh em mình.
Một khía cạnh khác chúng ta học được ở Áp-đia. Ông đã xác định được những lời ông ông nói ra là nghe từ Chúa. Chính vì thế ông nhiệt huyết để nói ra Lời Ngài. Điều này nhắc nhở chúng ta cần xác định rõ sứ điệp khi chúng ta rao giảng. Một sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời cần mang đến sự sống động, mạnh mẽ khi rao giảng.
Giô-ên: Tiên tri về lễ ngũ tuần.
Giô-ên con trai Phê-thu-ên, tên của ông trong riếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Ông thi thành chức vụ trong khoảng 830 TC với xuất thân là thầy tế lễ. Ông sống tại Giê-ru-sa-lem trong thời Giê-hô-gia-đa cai trị, nhiếp chính thay cho Giô-ách còn nhỏ. Ông nói tiên tri cho Giu-đa về các nạn cào cáo, trách nhiệm của thầy tế lễ, tôn giáo bề ngoài, tuôn đổ Thánh Linh, và ngày của Chúa. Toàn bộ sách xoay quanh ngày của Đức Giê-hô-va. Ông nói tiên tri sự hiện đến của Chúa để phán xét. Giô-ên nói nhiều hơn các tiên tri khác về hình thức bề ngoài của tôn giáo. Ông khuyến khích mọi người ăn năn tội lỗi và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Giô-ên nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình qua các hành động của Ngài, qua thiên nhiên và qua Đức Thánh Linh. Ông tin rằng, sự ăn năn sẽ đem đến sự tha thứ và sự giải cứu khỏi sự xâm hại của châu chấu.[2]
Giô-na: Nhà Truyền Giáo Không Săn Lòng.
Giô-na con trai A-mi-tai, sống tại thị trấn Gát Hê-phe, Ca-na thuộc miền Bắc Y-sơ-ra-ên, khoảng 780 TC, thời vua Giê-rô-bô-am II. Ông là một nhà truyền giáo thiếu thiện trí, có thành kiến về chủng tộc, cay đắng và sợ hãi đối với kẻ thù chính trị Y-sơ-ra-ên, một nhà truyền giáo hải ngoại không muốn rao báo sứ điệp Đức Chúa Trời. Ông coi sự thoải mái bán thân hơn mạng sống của dân cư thành Ni-ni-ve. Đối với ông, danh tiếng của một nhà tiên tri quan trọng hơn việc dân thành Ni-ni-ve sống hay chết. Tuy nhiên, Giô-na có tinh thần ái quốc và có thể nói là tiên tri cho nhà vua. Vì thế Đức Chúa Trời là Đấng lựa chọn và kêu gọi ông.[3]
A-mốt: Rao Giảng Về Sự Thánh Khiết.
Cũng như các tiên tri Ô-sê, Mi-chê, Ê-sai, A-mốt nói tiên tri trong thời A-si-ri có quyền lực lớn nhất. Ông xuất thân là một nông dân, sống tại làng Tha-cô-a thuộc Giu-đa và được kêu gọi để nói tiên tri cho 10 chi phái Y-sơ-ra-ên. Ông sống trong thời kỳ vua Ô-xia tại Giu-đa, và vua Giê-rô-bô-am II tại Y-sơ-ra-ên. Niên đại sách khoảng 755 TC, với sứ điệp “sự phán xét của Chúa trên sự bất công của xã hội”. Vì hoàn cảnh của mình, ông coi thường thói lười biếng và bất công ở các thành phố lớn, và đặc biệt là giới thượng lưu của Y-sơ-ra-ên thịnh vượng. Ông chỉ đơn giản là một người kính sợ Chúa đến từ đất nước mà Chúa đã sai ra đi thực hiện sứ mệnh đặc biệt với sứ điệp của Ngài. Ông có sự hiểu biết tuyệt vời về sự thánh khiết và sự công chính.
Ô-sê: Tiên Tri Về Tình Yêu
Tiên tri Ô-sê sống đồng thời với A-mốt, cả hai đều rao giảng cho miền bắc Y-sơ-ra-ên về cơn thịnh nộ Đức Chúa Trời với tội lỗi và về sự công chính mà Ngài trừng phạt tội lỗi. Sự khác biệt là sứ điệp Ô-sê nói về tội lỗi con người chống lại Đức Chúa Trời thay vì con người chống lại con người như A-mốt. Ông chỉ ra tội dẫn đến mọi tội khác – đó là việc quay lưng lại với Đức Chúa Trời. Sứ điệp của ông tập trung vào “tình yêu của Chúa dành cho dân Y-sơ-ra-ên bất trung”. Niên đại khoảng 750-725 TC, thời vua Ô-xia, Giô-tham, A-háp, Ê-xê-chia tại miền Nam Giu-đa và Giê-rô-bô-am II thuộc miền bắc Y-sơ-ra-ên. Ông có người vợ không trung thủy, trải qua thất vọng trong tỉnh yêu. Vì thế ông giảng từ một tấm lòng tan vỡ. Ông không chỉ rao giảng về tình yêu; ông đã thể hiện điều đó qua đời sống của mình. Ô-sê đã ra lời kêu gọi lần cuối của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên trước khi sự đoán phạt giáng xuống. Hầu hết các sứ điệp dường như ưu tiên cho sự kiện Sa-ma-ri bị bắt lưu đày vào năm 722 TC.
Mi-chê: Tiên Tri Về Đấng Mê-si
Mi-chê cũng đưa ra những lời tiên tri khác về Đấng Mê-si và vương quốc tuyệt vời của Ngài sẽ được thành lập. Trước khi điều đó xảy ra, có một số thời điểm kinh khiếp sẽ đến trên cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, đều sẽ bị bắt lưu đày vì cớ tội lỗi của họ. Mi-chê là sự tổng hợp của tất cả các tiên tri trong thời đại của họ và thời đại của chúng ta. Mi-chê, tên của ông có nghĩa Ai giống như Đức Giê-hô-va? Sứ điệp của ông là cho Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. Ông sống trong thời kỳ vua Giô-tham, A-háp, Ê-xê-chia, cùng thời kỳ với tiên tri Ô-sê và tiên tri Ê-sai. Quê nhà của ông tại Mô-rê-sết – Gát, một thị trấn nhỏ cách Giê-ru-sa-lem khoảng 40km về phía tây nam. Trong sự rao giảng, ông đã tố cáo sự bất công trong xã hội Giê-ru-sa-lem. Ông là người được Đức Chúa Trời ban cho những khải tượng về sự hoạn nạn kinh khiếp sắp xảy đến trừ khi dân sự ăn năm, chức vụ của ông kéo dài từ 735-700 TC. Ông là người đầu tiên nói tiên tri về sự tàn phá Giê-ru-sa-lem và việc bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Ông tiên báo Đấng Mê-si-a sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem Ép-ra-ta (5:2). Ông nhấn mạnh về sự thánh khiết Đức Chúa Trời, đòi hỏi con dân Ngài phải phân rẽ khỏi tội lỗi và tận hiến cho điều gì là thiện.
Sô-phô-ni: Tiên tri Về Sự Phán Xét Muôn Vật.
Sô-phô-ni tên của ông có nghĩa là Giê-hô-va đã giấu, ông thuộc hoàng tộc Giu-đa và là chắt của Ê-xê-chia, ông nói tiên tri cho Giu-đa, dưới thời cai trị vua Giô-si-a. Ông sống đồng thời với tiên tri Hun-đa, Na-hum, Giê-rê-mi. Sứ điệp của ông nhấn mạnh sự “phán xét toàn cầu, dân sót lại được cứu”, sách của ông có niên đại từ 630-625 TC. Có vẻ sự rao giảng của Sô-phô-ni ở thời kỳ đầu của triểu đại Giô-si-a đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp dân tộc trở lại cùng Chúa. Là thành viên trong tầng lớp cai trị, Sô-phô-ni có một sự hiểu biết tuyệt vời về lịch sử của đất nước ông và các nước xung quanh. Ông thường được gọi là “nhà truyền đạo thánh khiết, nhà truyền giáo rực lửa”. Ông thấy rõ sự kinh khiếp của tội lỗi và rao giảng về cách Đức Chúa Trời rất ghét tội lỗi và sẽ trừng phạt nó. Sô-phô-ni mở đầu sách của mình với một sứ điệp kinh khiếp về ngày của Chúa, thời điểm phán xét. Sứ điệp của ông nói về sự phán xét muôn vật cho thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên các nước. Ông bắt đầu với những cáo buộc chống lại đất nước của mình, sau đó tiếp tục lên án các nước khác.
Na-hum: Tiên Tri Về Sự Hủy Diệt Ni-ni-ve.
Na-hum, tên của ông có nghĩa là sự an ủi, ông sống tại Giu-đa đồng thời với tiên tri Giê-rê-mi, Hun-đa, Sô-phô-ni, dưới thời cai trị của vua Giô-si-a tại Giu-đa và Sin-shar-ishkum vua của A-si-ri. Sách có niên đại khoảng năm 621 TC, với sứ điệp nói về Ni-ni-ve sụp đổ - nhấn mạnh đến cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời thánh khiết chống lại tội lỗi. Đây không phải là sứ điệp kêu gọi ăn năn, mà là sứ điệp về sự diệt vong. Na-hum tự gọi mình là người Ên-cốt. Theo truyền thống, Na-hum hay gia đình của ông và một số người ở Giu-đa đã bị bắt lưu đày trong một cuộc xâm lăng của người A-si-ri.
Ha-ba-cúc: Vị Tiên Tri Hay Thắc Mắc
Ha-ba-cúc, tên của ông có nghĩa là được bồng ẵm, ông sống tại Giu-đa, đồng thời với tiên tri Na-hum, Giê-rê-mi, Sô-phô-ni. Dưới thời cai trị của Giê-hô-gia-kin vua Giu-đa và Nê-bu-cát-nết-sa vua Ba-by-lôn. Sứ điệp của ông dưới dạng câu hỏi giữa ông và Đức Chúa Trời, kết lại bằng việc tin cậy Chúa. Niên đại sách khoảng năm 607 TC, sau thời kỳ sụp để của Ni-ni-ve. Ông rất quen thuộc với luật pháp và sứ điệp của Đức Chúa Trời qua các tiên tri. Dưới sự chỉ dẫn với bài ca của ông, có lẽ ông là người Lê-vi phụ giúp âm nhạc trong đền thờ. Ha-ba-cúc ghi lại sự xung đột nội tâm của một tiên tri, sự thắc mắc về phương pháp của Đức Chúa Trời và câu trả lời của Ngài cho sự thắc mắc của ông.
A-ghê: Thúc Đẩy Xây Dựng Nhà Chúa.
A-ghê, tên của ông có nghĩa là lễ hội, ông sống đồng thời với tiên tri Xa-cha-ri tại Giê-ru-sa-lem. Dưới thời cai trị của hoàng đế Đa-ri-út (Mê-đô Ba-tư) và tổng đốc Giê-ru-sa-lem là Xô-rô-ba-bên. Sứ điệp của ông là xây dựng nhà Chúa, có niên đại năm 520 TC. Có lẽ phần lớn cuộc đời của ông bị lưu đày ở Ba-by-lôn, và có thể đã đóng góp rất nhiều vào đời sống thuộc linh của dân tộc ông tại đó. A-ghê là vị tiên tri đầu tiên trong ba vị tiên tri thời hậu lưu đày.
Xa-cha-ri: Tiên Tri Có Những Khải Tượng Về Đấng Mê-si.
Xa-cha-ri tên của ông có nghĩa là Đức Giê-hô-va ghi nhớ, ông sống trong thời kỳ thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-sua, đồng thời với tiên tri A-ghê, dưới thời tổng đốc Xô-rô-ba-bên và hoàng đế Đa-ri-us. Ông sống tại Giê-ru-sa-lem với chức vụ thầy tế lễ và tiên tri. Chủ đề của sách là “hy vọng về Dấng Mê-si”, niên đại 520-518 TC. Đức Chúa Trời ban cho Xa-cha-ri sứ điệp cùng với tiên tri A-ghê để thúc dục những người thợ xây để hoàn tất đền thờ. Trong những khải tượng và sự tiên báo của ông, chúng ta thấy công tác cứu chuộc của Đấng Christ và chiến thắng cuối cùng của Ngài. Chức vụ của Xa-cha-ri đem lại niềm hy vọng và sự khích lệ cho những người sợ hãi và yếu đuối. Các khải tượng hy vọng của ông nhấn mạnh rằng Chúa vẫn tể trị.
Ma-la-chi: Tiên Tri Về Sự Phục Hưng.
Ma-la-chi, tên của ông có nghĩa là sứ giả của ta, ông sống trong thời kỳ thầy tế lễ thượng phẩm Ê-xơ-ra, tổng đốc Nê-hê-mi và vua Ạt-ta-xét-xe, sống tại Giê-ru-sa-lem. Sứ điệp của ông nói về “phục hồi dân Y-sơ-ra-ên, có niên đại giữa 460 và 432 TC. Ma-la-chi là người rất sốt sáng, hành động vì tỉnh thức tâm linh, đem lại công lý cho tất cả mọi người, cũng như sự tận hiến nhiệt thành cho Chúa. Ông là nhà cải cách dũng cảm, ông đã can đảm nói với các thầy tế lễ và dân chúng về tội của họ. Ông mạnh mẽ chống lại những người không tỏ lòng tôn kính Chúa và những người làm việc Chúa cách nửa với. Trong Ma-la-chi, chúng ta thấy sự dạy dỗ về lý luận của nhà tiên tri với dân chúng theo chủ nghĩa duy lý cực đoan. Ông không chỉ rao giảng chống lại tội lỗi mà còn đưa ra những sứ điệp khích lệ. Sứ điệp của Ma-la-chi dạy cho dân Y-sơ-ra-ên cách đáp lại tình yêu và vui hưởng ơn phước của Chúa.
Kết luận: Trong mỗi thời điểm nhất định, Đức Chúa Trời kêu gọi những cá nhân với xuất thân, tuổi tác, vị trí khác nhau nhằm bước vào chức vụ đại diện Đức Chúa Trời nói tiên tri cho dân chúng. Họ là những sứ giả được Chúa kêu gọi để nói ra Lời Đức Chúa Trời nhằm cảnh cáo, khuyên răn, dạy dỗ, kêu gọi dân chúng. Họ là hồi chuông cuối cùng mà Chúa dùng như một ân điển nhằm cảnh báo cho dân chúng đang phạm tội. Điều này thể hiện sự nhân từ, thương xót, giàu ơn, chậm nóng giận của Đức Chúa trời giành cho nhân loại trong mọi thời kỳ trước khi Ngài quyết định phán xét. Ở mỗi vị tiên tri đều có những đặc điểm thích hợp để chúng ta có thể góp nhặt ứng dụng trong chức vụ hầu việc Đức Chúa Trời ngày nay
0 Nhận xét